Kết nối và giao tiếp với trẻ sơ sinh là khi bạn đáp ứng những mong muốn của trẻ bằng tất cả sự yêu thương và tình cảm ấm áp. Sợi dây liên kết bền chặt giữa trẻ và bạn sẽ giúp cho con cảm thấy được che chở, biết được khái niệm của tình thân, nuôi dưỡng con và con sẽ luôn cảm thấy an toàn mỗi khi có bạn kề bên. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của việc liên kết với trẻ và những cách hay ho để có thể kết nối hiệu quả hơn với trẻ sơ sinh.
1. Liên kết với trẻ sơ sinh: Tại sao nó lại quan trọng?
Sự liên kết giữa cha mẹ với trẻ được xem là nền móng quan trọng trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Một đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương trọn vẹn và sự chăm sóc ân cần của cha mẹ chắc chắn sẽ sở nên hạnh phúc.
Những tương tác tích cực từ cha mẹ giúp trẻ cảm thấy được chở che, quan tâm, đem lại cảm giác an toàn và tin tưởng, từ đó con hoàn toàn sẵn sàng cho việc học hỏi và khám phá thế giới xung quanh.
Sự kết nối giữa con cái và cha mẹ sẽ diễn ra trong một quá trình dài, điều này thể hiện trong chính hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đơn giản như những cái ôm, nụ hôn, cuộc trò chuyện với trẻ,... Bạn nên giao tiếp với trẻ sơ sinh ngay từ khi con được sinh ra, bởi trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, ấm áp và sẽ đáp lại bằng những tín hiệu riêng của con.
Việc kết nối thân mật với trẻ còn là một trong những tiền đề quan trọng giúp con phát triển tốt hơn ở cả thể chất lẫn tinh thần.
Những cử chỉ thân thiết, quan tâm của cha mẹ sẽ góp phần giúp con tăng cường hormone hạnh phúc và giải phóng những loại hormone có ích trong việc giúp não của bé phát triển. Não bộ của bé phát triển tốt đồng nghĩa với việc trí tuệ, suy nghĩ và ngôn ngữ của con cũng sẽ được kích thích và phát huy một cách tốt nhất.
Theo một vài nghiên cứu, trong 3 năm đầu đời của con, sự phát triển về thể chất của não bộ sẽ diễn ra mạnh mẽ lên đến 80%. Bộ não non nớt của con sẽ bắt đầu giúp cơ thể hình thành những hành vi để đáp lại sự kết nối của bạn, đây cũng là cách trẻ làm quen với việc suy nghĩ và xử lý thông tin bằng những tín hiệu riêng. Các khớp thần kinh quan trọng sẽ được kích hoạt và hình thành với tốc độ rất nhanh nếu con thường xuyên được giao tiếp, kết nối với ba mẹ ngay từ những ngày tháng đầu đời. Con càng được tiếp cận và nghe được nhiều từ thì hệ thần kinh sẽ phát triển càng mạnh, rất có lợi cho việc tập nói và học ngôn ngữ của con trong tương lai.
2. Hiểu hành vi của trẻ sơ sinh
Dù chưa biết nói, trẻ sơ sinh vẫn có thể đáp lại bạn bằng ngôn ngữ cơ thể của chúng để kết nối giữa bạn và con trở nên bền chặt hơn. Mỗi đứa trẻ đều có thể tạo ra những hành vi của riêng chúng để giao tiếp với bạn, ví dụ con sẽ mỉm cười mỗi khi nhìn thấy bạn, đưa tay ra và vươn về phía bạn hay trở nên vui vẻ, thích thú khi chơi đùa cùng bạn.
Bạn nên để ý hơn những tín hiệu của con mình và đáp lại trẻ, bởi khi những hành vi đó được đáp lại bằng một tình yêu thương ấm áp sẽ đem lại cảm giác an toàn cho con.
Sự liên kết qua lại giữa bạn và trẻ sẽ là một điều kiện tốt để con học giao tiếp, biết được những khái niệm đầu tiên về cảm xúc và hành vi xã hội. Việc não bộ của con được tiếp xúc và làm quen với âm thanh, ngôn ngữ sớm còn là một sự chuẩn bị tốt trước khi con bập bẹ cất tiếng nói đầu đời. Những em bé có sợi dây liên kết chặt chẽ, thường xuyên trò chuyện với ba mẹ ngay từ nhỏ sẽ có xu hướng phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt, giao tiếp thành thạo và có thể dễ dàng làm quen với ngôn ngữ thứ hai sau này.
Khi bạn thực hiện những kết nối và giao tiếp với trẻ sơ sinh, bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ với khả năng phản ứng và làm quen của trẻ đối với những tương tác xã hội. Khi những kết nối của bạn và con được phát triển một cách mạnh mẽ, bạn sẽ có thể dễ dàng nhận ra mọi tín hiệu và trạng thái của trẻ, như những tiếng khóc, cái mút tay, sự cáu gắt,... Hiểu được hành vi của trẻ sơ sinh cũng chính là sự thành công trong việc xây dựng, gắn kết mối quan hệ của bạn và con.
3. Làm thế nào để gắn kết với trẻ sơ sinh?
Mọi sự gắn kết yêu thương ấm áp giúp con cảm thấy được che chở, đem lại cho con cảm giác an toàn và tin tưởng, góp phần củng cố và thắt chặt thêm mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái. Những đứa trẻ được hưởng sự chăm sóc chu đáo và giáo dục tốt từ nhỏ sẽ có khả năng phát triển toàn diện hơn trên cả thể chất lẫn tinh thần cho một tương lai tươi sáng.
Có rất nhiều cách để kết nối và trở nên gắn bó với trẻ sơ sinh mà bạn có thể áp dụng trong quá trình chăm sóc con.
Tiếp xúc cơ thể
Ngay từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh rất cần những cái ôm ấm áp, chính vì vậy bạn hãy thường xuyên ôm ấp, vỗ về và vuốt ve con. Những liên kết da kề da tưởng chừng như bình thường này vẫn có thể giúp con cảm nhận rất rõ ràng và trở nên yên tâm hơn khi nằm trong lòng bạn.
Cũng đừng quên đáp lại những tín hiệu của con như tiếng khóc bởi việc trả lời này sẽ đem lại cho trẻ cảm giác an toàn và biết rằng bạn sẽ luôn bên cạnh lắng nghe con.
Giao tiếp bằng lời nói và ánh mắt
Bạn nên tạo điều kiện nói chuyện với con bằng giọng điệu nhẹ nhàng nhiều nhất có thể, ngay trong những lúc đang chăm sóc và ở bên cạnh con. Ba mẹ hoàn toàn có thể kể về những điều đang làm, giới thiệu với con về các đồ vật xung quanh hay dành thời gian và tạo thói quen đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ. Điều này rất có lợi trong việc giúp con nhận diện và làm quen với giọng nói của bạn.
Ngoài nói chuyện ra, bạn cũng có thể giao tiếp với con thông qua ánh mắt. Hãy luôn nhìn con với một ánh mắt trìu mến, yêu thương bởi trẻ cũng sẽ học được cách sử dụng ánh mắt và nụ cười để đáp lại bạn.
Hát ru
Hơn thế nữa, bạn có thể kết nối với con thông qua những bài hát ru. Con sẽ cảm thấy thích thú với những giai điệu nhẹ nhàng, êm ả và dễ dàng đi vào giấc ngủ bằng giọng hát quen thuộc mỗi ngày của mẹ. Hãy cố gắng nhìn thẳng vào mắt con và thể hiện nét mặt dịu dàng để trò chuyện với con, điều này sẽ giúp trẻ nhận biết cảm xúc và sự liên kết giữa lời nói và nét mặt một cách tốt hơn.
Không phải tất cả mọi người đều cảm thấy được sự liên kết và gắn bó với con trẻ của mình ngay từ khi bé mới chào đời. Bạn cũng không cần phải quá lo lắng bởi sự kết nối này có thể sẽ cần thời gian để làm quen và nó có thể nảy sinh trong quá trình chăm sóc trẻ. Hãy cố dành thời gian để gắn bó và dành cho trẻ những điều tuyệt vời nhất ngay từ những năm tháng đầu đời, bởi tuổi thơ của con sẽ không bao giờ quay lại.
Xem thêm:
- Hành động giúp bố mẹ gắn kết với trẻ sơ sinh
- Tại sao phụ huynh nên dành nhiều thời gian chơi với trẻ sơ sinh?
Hãy cố gắng tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ bền chặt với con, bạn sẽ khám phá ra những điều thú vị trong tính cách cũng như góc nhìn của bé. Chúc bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời trong việc kết nối và giao tiếp với trẻ sơ sinh.