Đối với những ai mới làm cha mẹ lần đầu, thì dù có trang bị đầy đủ kiến thức về em bé cũng sẽ có đôi lúc rất hoảng loạn khi rơi vào tình huống em bé sơ sinh khóc. Có những lúc bé sẽ khóc ré lên để được đáp ứng một chuyện gì đó. Cha mẹ cũng cần phải biết thêm vài cách xoa dịu khi bé khóc để quá trình chăm con được diễn ra tốt hơn. 

1. Tìm hiểu nguyên nhân bé khóc

nguyên nhân bé khóc

Đối với những tháng đầu đời, bé sơ sinh sẽ dùng tiếng khóc thay cho lời nói khi đang có nhu cầu cần được đáp ứng. Sau đây là một vài nguyên nhân chính:

- Bé đói

Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, sau mỗi giấc ngủ bé cũng cần nạp thêm năng lượng cho cơ thể.

Vì vậy, sau vài giờ ngủ dậy bé sẽ cảm thấy rất đói và muốn ti sữa, lúc này, bé có thể khóc toáng lên để thể hiện nhu cầu của mình.

Cha mẹ cũng nên lưu ý là đừng cho bé sơ sinh ngủ nhiều hơn 4 - 5 tiếng, bởi sau khi tỉnh giấc bé sẽ rất đói và ti sữa liên tục dễ dẫn đến tình trạng bị sặc sữa.

- Bé mệt, muốn đi ngủ

Khi bé dưới 3 tháng tuổi, bé sẽ phải dành rất nhiều thời gian để ngủ. Bé có thể ngủ đến 20 tiếng trong một ngày và sẽ giảm dần qua từng tháng tuổi.

Nhiều phụ huynh thường nghĩ bé sơ sinh rất dễ ngủ, nhưng nhiều lúc vì quá mệt nên trẻ sẽ khóc quấy và gắt ngủ.   

- Bé muốn thay tã

Bé sơ sinh có thể sẽ khóc toáng lên khi tã bị ẩm ướt, điều này mang đến cảm giác không mấy thoải mái cho bé.

Mẹ hãy kiểm tra tình trạng của tã và nếu tã bị ẩm, mẹ hãy rửa mông bé bằng nước sạch rồi lau khô để tránh tình trạng bé bị cảm nước.

- Bé khó chịu

Hệ tiêu hóa của bé sơ sinh còn đang trong giai đoạn làm quen và phát triển, nên đôi lúc sau khi ti sữa bé có thể bị đầy hơi.

Mẹ hãy giữ bé đứng thẳng, vỗ nhẹ nhàng hoặc vuốt vào lưng bé theo chiều từ trên xuống, giúp bé nhanh chóng giảm bớt cảm giác khó chịu.

Mẹ cũng hãy xem qua quần áo của bé có thoải mái không, vì đôi khi do quần áo quá bó khiến bé bị ngộp ngạt, khó chịu.

- Bé bị ốm

Khi bé sơ sinh có dấu hiệu bị sốt, bé trở nên cáu gắt và quấy khóc nhiều hơn bình thường.

Lúc này, mẹ hãy thử kiểm tra nhiệt độ của bé, mẹ có thể dùng tay áp nhẹ vào trán và sau đó sử dụng nhiệt kế để kiểm tra chắc chắn nhiệt độ hiện tại của bé.

Nhiệt độ bình thường của cơ thể người là 37oC và nếu con số có dấu hiệu tăng lên 38oC thì mẹ hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ ngay nhé. 

2. Những điều nên làm khi bé khóc

em bé sơ sinh khóc

Sau khi đã hiểu rõ được nguyên nhân khiến em bé sơ sinh khóc, cha mẹ cần phải có những hành động đáp ứng kịp thời cho bé. Nhưng đồng thời, cha mẹ cũng cần biết những điều nên làm khi bé khóc để có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng hơn:

- Tránh lắc hoặc đung đưa mạnh

Khi bé khóc toáng lên, cha mẹ nên dỗ dành nhẹ nhàng và từ từ cho đến khi bé nín.

Đừng nóng vội mà ẵm bồng đung đưa mạnh bạo, việc này có thể khiến não của bé bị tổn thương hoặc xảy ra tình trạng tệ hơn đối với sức khỏe của bé.

Chỉ cần ôm bé đặt lên ngực, đung đưa nhẹ nhàng và phát tiếng "xì xì" - Tiếng ồn trắng, để bé bình tĩnh lại.

- Giữ bình tĩnh khi dỗ con

Đôi khi, phải mất một khoảng thời gian cha mẹ mới có thể hiểu được điều bé mong muốn.

Vì thế, trong khoảng thời gian bé khóc, đã có không ít bậc cha mẹ bị rối và không tìm ra được nhu cầu của bé.

Lúc này, cha mẹ nên để bé ở một chỗ an toàn như: giường ngủ, nôi,... hoặc nhờ người trông hộ vài phút để bình tĩnh suy nghĩ hơn.

Sau khi biết được nguyên nhân khiến bé khóc quấy, hãy tiếp xúc lại với bé và giải quyết vấn đề. 

- Yêu cầu giúp từ người thân hoặc người có chuyên môn

Nếu đối phó với tiếng khóc của bé quá khó khăn thì bạn hãy thử nhờ người thân bồng hộ vài phút hoặc nhờ sự giúp đỡ từ người những người có chuyên môn cao như: bác sĩ, y tá,... Để giúp bé lấy lại bình tĩnh. 

Những tháng đầu đời của bé sơ sinh cũng thật hạnh phúc và cũng thật sự vất vả. Để nuôi dạy được một đứa bé nên người, bậc cha mẹ cũng đã hy sinh rất nhiều, trải qua không ít khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng chúng.

Nhưng với những thông tin trên, hy vọng cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm con khi đã học được cách xoa dịu em bé sơ sinh khóc.