Giao tiếp liên quan đến nhiều kỹ năng hơn là những thứ chúng ta chọn để nói. Bạn vẫn liên tục sử dụng kỹ năng giao tiếp không lời thông qua ngôn ngữ hình thể và các tín hiệu phi ngôn ngữ đi kèm hoặc minh họa cho lời nói. Tìm hiểu và nắm rõ 5 kiểu giao tiếp không lời dưới đây để trở thành một người giao tiếp hiệu quả hơn!

1. 5 kiểu giao tiếp không lời 

5 kiểu giao tiếp không lời 

Cử chỉ

Cử chỉ là một hình thức giao tiếp không sử dụng âm thanh. Trong đó, những hành động nhìn thấy được của cơ thể truyền tải các thông điệp nhất định. Những hành động đó có thể thay thế cho, hoặc là kết hợp với ngôn ngữ nói. Các cử chỉ thường thấy bao gồm vẫy tay, giơ tay lên, lắc đầu, thay đổi nét mặt,... Từng người sẽ có những cử chỉ khác nhau và phụ thuộc vào từng nền văn hóa. Đây là một trong những hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ dễ kiểm soát nhất.

Không gian giao tiếp

Đây được xem là thước đo khoảng cách vật lý giữa các cá nhân khi họ giao tiếp. Lượng không gian giao tiếp tiêu chuẩn cho từng cuộc đối thoại sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm những quy chuẩn xã hội, văn hóa, bối cảnh và mức độ thân quen.  

Tư thế

Tư thế của một cá nhân cũng có thể truyền tải mức độ cởi mở của cơ thể bạn hoặc đưa ra một thông tin quan trọng ví dụ như tư thế phòng thủ, khoanh tay, chống nạnh,... Những hành vi không lời này biểu đạt rất nhiều cảm xúc và thái độ của bạn với những người xung quanh.

Giọng nói

Thể loại giao tiếp này thể hiện các khía cạnh của giọng nói như tông giọng, độ lớn, biến chuyển giọng và độ cao thấp. Hãy cân nhắc tác động mạnh mẽ của tông giọng lên ý nghĩa của một câu nói. Khi nói bằng một giọng điệu mạnh mẽ, người nghe có thể thấy được sự chấp thuận và nhiệt huyết. Cũng là những từ đó nhưng nói bằng một tông giọng ngập ngừng, người nghe có thể nghĩ đến sự không đồng thuận và thiếu quan tâm. 

Sinh lý

đổ mồ hôi

Kiểu giao tiếp không lời này bao gồm những thay đổi về mặt sinh lý của cơ thể như tăng tiết mồ hôi, run tay hay chớp mắt nhanh,... Đây hầu như là các biểu hiện tự nhiên và không thể cố tình kiểm soát được.

2. 3 mẹo để hiểu giao tiếp phi ngôn ngữ

mẹo để hiểu giao tiếp phi ngôn ngữ

Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều tình huống mà sự hiểu biết về giao tiếp phi ngôn ngữ có thể được sử dụng như một lợi thế. Biết cách giải mã các ngôn ngữ không lời sẽ cải thiện đáng kể kỹ năng giao tiếp của bạn. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn nâng cao nhận thức về các kỹ năng giao tiếp không lời:

Tìm kiếm sự không nhất quán 

Biết cách phát hiện các dấu hiệu lo lắng, bồn chồn hay lảng tránh là một cách để xác định xem người đối diện có đáng tin cậy hay không. Nếu hành vi phi ngôn ngữ đi ngược lại với lời nói, thì khả năng cao người nói không hoàn toàn thoải mái với những gì họ đang nói đang muốn che giấu điều gì đó.

Ý thức về sự khác biệt văn hóa

Điều quan trọng hơn hết là phải nhận biết được phong cách và cử chỉ phổ biến ở các nền văn hóa khác nhau. Đừng vội phán xét những tín hiệu phi ngôn ngữ từ một người nào đó đến từ một quốc gia hoặc nền văn hóa khác, vì điều họ thể hiện có thể mang hàm ý mà bạn không biết.

Quan sát toàn diện

Hãy quan sát các tín hiệu phi ngôn ngữ một cách toàn diện. Đừng thấy ai đó có vầng trán đẫm mồ hôi thì nghĩ là họ đang lo lắng. Tương tự như vậy, một người chớp mắt liên tục chưa chắc là đang nói dối, có thể đó chỉ là một cái tật. Cố gắng xem xét các tín hiệu phi ngôn ngữ một cách toàn diện để có được bức tranh đầy đủ hơn về những gì mà người đối diện đang truyền đạt.

Giao tiếp không lời đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến người khác, cũng như cách phiên giải hành động của mọi người xung quanh. Điều quan trọng cần nhớ khi tìm hiểu kỹ năng giao tiếp không lời là phải cân nhắc kết hợp các tín hiệu lại với nhau từ cử chỉ, tư chế đến giọng điệu mà một người đang biểu đạt. Điều này không chỉ giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ mà còn nâng cao khả năng giao tiếp của bạn.